Nội dung bài viết

Đào tạo theo tín chỉ: Sinh viên dễ “ngồi nhầm lớp”
(20/10/2008)
Đến năm 2010, tất cả các trường ĐH, CĐ sẽ thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sinh viên vẫn chưa quen với cách học này, dễ dẫn đến tình trạng bị buộc thôi học hàng loạt.

Thông tin trên 1.000 sinh viên (SV) khóa 2006 2007 đang học theo hệ thống tín chỉ tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có nguy cơ bị buộc thôi học do kết quả học tập không đạt đã gây hoang mang cho SV và phụ huynh. Hiện tượng này từng xảy ra tại Trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, với 400-500 SV rơi vào diện buộc thôi học khi các trường này thí điểm việc đào tạo theo tín chỉ. Trong khi đó, đến năm 2010, tất cả các trường ĐH, CĐ đều chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Nếu các trường không có sự chuẩn bị kỹ, hiện tượng này sẽ tiếp tục lặp lại.

Đăng ký học quá sức
Về sự cố trên 1.000 SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có nguy cơ bị buộc thôi học, PGS-TS Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết chỉ là lỗi mang tính chất cơ học, do chuyển đổi từ hệ thống niên chế sang học tín chỉ. Hơn nữa, cách đánh giá cho điểm của thầy cô chưa chuyển đổi kịp, trong khi SV thì hồ hởi đăng ký học nhiều tín chỉ nên quá tải. Ông Ga cũng cho biết thêm: ĐH Đà Nẵng đồng ý với đề nghị của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là không buộc thôi học trên 850 SV, tiếp tục cho số SV này học lại môn chưa đạt điểm theo quy định. ĐH Đà Nẵng cũng sẽ báo cáo Bộ GD-ĐT để xin ý kiến chỉ đạo.

PGS-TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho biết chỉ có khoảng 130 SV bị buộc thôi học do học lực yếu kém, bỏ học, bỏ thi; với hơn 850 SV còn lại, trường vẫn tiếp tục cho theo học bình thường trong học kỳ 1 của năm học 2008-2009. Trong học kỳ 2, nhà trường sẽ không cho các em đăng ký tín chỉ mới nhằm để các em học cải thiện điểm những môn học yếu kém của học kỳ trước.

Nguy cơ hổng kiến thức
Kinh nghiệm từ các trường đã đào tạo theo tín chỉ cho thấy phải mất một thời gian dài, các trường mới tìm ra phương thức phù hợp trong việc tổ chức đào tạo và quản lý SV. Những khó khăn được thạc sĩ Trần Đình Mai, Ban Công tác học sinh sinh viên ĐH Đà Nẵng, nhận diện: Theo học chế tín chỉ, SV có thể học vượt, từ đó có thể SV đăng ký một lúc nhiều môn học, vượt quá khả năng của mình dẫn đến hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, kiến thức bị hổng...

Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng Công tác chính trị quản lý SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, kể: Lúc đầu chuyển sang đào tạo tín chỉ (năm học 1996-1997), trường “mềm hóa” hoàn toàn, SV tự do đăng ký môn học nên đã xảy ra tình trạng đa số SV đăng ký học giờ lý thuyết, dồn đến năm thứ tư mới đăng ký học thực hành. Sự chọn lựa này khiến trường quá tải trong việc sắp xếp giờ thực hành, còn SV thì rơi vào tình trạng học không đi đôi với hành.

Từ đó, nhiều trường thí điểm đào tạo tín chỉ đã không còn “mềm” 100% như tinh thần cốt lõi của học chế tín chỉ mà đưa ra những quy định cứng trong việc đăng ký môn học của SV nhằm bảo đảm cân đối kiến thức trong đào tạo.

Cả giảng viên, sinh viên, nhà trường đều phải thay đổi
“Nhìn lại thực tế đội ngũ giáo dục trong nước vừa qua, điều đầu tiên cho thấy là cả thầy và trò đều chưa thực sự sẵn sàng để áp dụng đào tạo theo tín chỉ” - ông Trần Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Nam Định, nhận xét. Theo ông Lợi, đào tạo tín chỉ đòi hỏi SV phải tự học, nghiên cứu nhiều hơn; SV có 30% thời gian lên lớp, còn lại là tự học. Nhưng nhiều SV chưa có ý thức cao trong học tập, còn mang tư tưởng dựa dẫm vào người khác. Một đơn vị tín chỉ được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn bị cá nhân. Trong khi đó, cả thầy và trò đều quen với việc giảng dạy và học tập một chiều – thầy giảng trò ghi, tất cả ở trên giảng đường. SV chưa có thói quen coi những giờ tự học, những buổi chuẩn bị là một phần của môn học. Giáo trình áp dụng cho học chế tín chỉ vẫn là những giáo trình cũ của chương trình đào tạo theo niên chế...

TS Lê Đình Phương, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, cũng cho rằng hướng dẫn quá trình tự học cho SV trong bối cảnh hiện nay thực sự không dễ dàng. Trong nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thụ động, trì trệ, thiếu phương pháp học tập của SV thì cách dạy, cách tổ chức dạy và cách thi cử là nguyên nhân cơ bản.

“Thầy phải thay đổi cách dạy, SV phải thay đổi cách học và trường phải thay đổi cách quản lý. Chỉ khi nào đạt được sự đồng bộ đó, chúng ta mới hy vọng có được một sự hoàn thiện trong tổ chức đào tạo theo tín chỉ” - ông Trần Ngọc Lợi khẳng định.

Tiến độ thực hiện đào tạo tín chỉ còn chậm
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chuẩn bị cho đào tạo theo học chế tín chỉ được hầu hết các trường hưởng ứng và chuẩn bị, tuy nhiên, mức độ còn chậm so với yêu cầu. Kết thúc năm học 2007-2008, cả nước có 22 trường thí điểm đào tạo theo tín chỉ. Trong năm học 2008-2009, các trường tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện về giảng viên, giáo trình, tài liệu, phần mềm... để triển khai lộ trình chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

,VnMedia